Abby Siegel, chuyên gia tư vấn tuyển sinh ĐH đã có 19 năm kinh nghiệm, chia sẻ với những bạn trẻ có kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký nhập học ở các trường ĐH của Mỹ.
Theo bà Abby, có bảy lỗi các ứng viên thường mắc phải khi đăng ký có thể làm mất đi cơ hội được nhận vào các trường ĐH Mỹ:
1. Sử dụng những lý do chung chung về việc lựa chọn trường: Các bạn không nên nói lý do mình muốn đến học một trường đặc biệt nào đó chỉ vì qui mô lớp học hay tỷ lệ giảng viên/sinh viên. Lý do quá chung chung vì có hàng loạt trường có qui mô lớp học nhỏ như vậy.
Các bạn nên tìm hiểu thực sự để tìm ra một lý do đặc biệt nào đó khiến bạn thích trường ĐH mà mình đăng ký và trình bày điều đó trong bài luận đăng ký nhập học.
2. Quên bước rà soát lỗi: Các ứng viên cần rà soát lỗi trong hồ sơ và bài luận. Cách tốt nhất là nên nhờ cả những khác như thầy cô giáo, cha mẹ hoặc nhân viên tư vấn hướng nghiệp ở trường đọc rà soát lỗi cùng.
3. Bỏ qua cơ hội giới thiệu một cách đầy đủ về các hoạt động ngoại khóa: Mục dành cho hoạt động ngoại khóa trong hồ sơ đăng ký chỉ cho phép giới hạn số lượng chữ nhất định. Nhưng các ứng viên đừng vì giới hạn này mà bỏ lỡ cơ hội viết về tất cả những hoạt động ngoại khóa của mình.
Các bạn hãy tận dụng mục “Thông tin thêm” (Additional information) để hoàn tất những gì mà bạn chưa viết hết trong mục dành cho hoạt động.
4. Gửi kết quả điểm thi thấp dù nhà trường không yêu cầu gửi điểm: Không phải tất cả các trường đều yêu cầu bạn phải gửi tất cả các điểm thi theo chuẩn chung, có nhiều mục là tùy chọn.
Thêm vào đó, một số trường yêu cầu bạn gửi tất cả điểm thi (ví dụ như đối với bài thi SAT, bạn có thể đã dự thi nhiều lần) nhưng cũng có những trường không yêu cầu như vậy.
Nếu bạn đã thể hiện rất tốt ở các bài thi qui chuẩn, tất nhiên là sẽ có lợi khi bạn gửi điểm thi đó. Nhưng nếu như bạn chỉ đạt điểm thi thấp, sẽ có lợi khi bạn nắm rõ yêu cầu của từng trường trước khi đăng ký. Có thể sẽ tốt hơn nếu bạn không ghi điểm thi vào hồ sơ đăng ký.
5. Đăng ký vào ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ: Lưu ý đặc biệt là các ứng viên cần gửi hồ sơ của mình trước hạn chót. Các trường sẽ kiểm tra thời điểm ứng viên nộp hồ sơ và những sinh viên nộp hồ sơ vào ngày hết hạn sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với họ.
Việc nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng có thể gây cho các cán bộ tuyển sinh ấn tượng rằng đó là một sinh viên lười biếng hoặc trường này không phải là sự lựa chọn hàng đầu của các bạn.
6. Không chú ý đến việc thể hiện sự quan tâm đến trường ngoài hồ sơ: Các trường ĐH bắt đầu chú ý đến việc tìm kiếm thông tin thể hiện sự quan tâm của ứng viên đối với trường ngoài những nội dung thể hiện trong hồ sơ đăng ký.
Đó có thể là việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến ứng viên trên mạng xã hội. Họ sẽ ghi nhận nếu các bạn đã từng bấm nút “like” trang Facebook của trường hay đăng ký theo dõi họ trên Twitter và Instagram.
7. Đề nghị giáo viên viết thư giới thiệu vào phút chót: Các bạn cần phải dành thời gian tương xứng cho những lá thư giới thiệu của giáo viên. Abby Siegal gợi ý: nên đề nghị thầy cô giáo viết thư giới thiệu ngay từ giữa năm thứ hai của bậc THPT và sau đó cần bám sát việc này ngay khi bắt đầu bước vào năm học cuối.